Bạn quan tâm tới căn bệnh cao huyết áp hay tăng huyết áp.
Nghe cũng thấy nguy hiểm rồi phải không?
Tuy vậy, các chuyên gia hay gọi căn bệnh là sát thủ thầm lặng. Bệnh không gây ra triệu chứng châm lâm sàng đặc biệt mặc dù huyết áp bệnh nhân tăng cao.
Chính vì vậy nhiều người thường chủ quan nghĩ rằng bệnh không nguy hiểm.
Việc không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hôn mê sâu thậm chí là tử vong.
Trong bài viết này, mình muốn trang bị cho bạn những kiến thức thiết yếu về tăng huyết áp.
Dưới đây là những câu hỏi phổ biến về cao huyết áp.
Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực máu trong lòng động mạch. Huyết áp thường tính bằng milimet thủy ngân (mmHg).
Ở đây người ta chỉ tính huyết áp ở lòng động mạch chứ không phải ở lòng tĩnh mạch.
Máu trong lòng động mạch thường có màu đỏ. Chúng mang oxy và chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể.
Sau khi đã cung cấp oxy cho các cơ quan máu nghèo oxy và chuyển thành máu đen. Chúng sẽ về tim theo đường tĩnh mạch.
Máu trong lòng động mạch áp lực rất lớn. Còn máu trong tĩnh mạch thì rất thấp, chỉ khoảng 5-10mmHg.
Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương là gì?
Bạn thường nghe nói tới huyết áp tối đa hay huyết áp tâm thu và huyết áp tối thiểu hay huyết áp tâm trương.
Vậy chúng là gì?
- Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa): là áp lực máu trong thời điểm tim co bóp tống máu đi nuôi cơ thể.
- Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu): là áp lực máu trong giai đoạn tim giãn thu máu về tim.
Người ta sẽ lấy huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương làm con số để biểu thị huyết áp.
Ví dụ nếu huyết áp của bạn là 160/90 mmHg thì huyết áp tối đa hay huyết áp tâm thu là 160. Còn con số 90 là huyết áp tâm trương.
Cả hai con số này đều có giá trị trong việc đánh giá mức độ tăng huyết áp.
Huyết áp cao là bao nhiêu?
Thường câu hỏi phổ biến sẽ là:
Huyết áp bao nhiêu thì được coi là cao huyết áp?
Câu trả lời là:
- Đối với huyết áp tâm thu thì từ 90 đến 139mg là bình thường. Từ 140 trở đi là cao. Từ 140 đến 159 là tăng huyết áp độ I (nhẹ), từ 160 đến 179 là độ 2 (trung bình) và từ 180 trở đi là độ 3 (nặng).
- Đối với huyết áp tâm trương: dưới 90mg là bình thường, từ 90 trở lên là tăng huyết áp. Từ 90 đến 99 là tăng huyết áp độ I (nhẹ), từ 100 đến 109 là độ 2 (trung bình), từ 110 trở lên là độ 3 (nặng).
Nếu hai con số tâm thu và tâm trương ở hai mức độ nặng nhẹ khác nhau thì lấy độ cao hơn để đánh giá.
Ví dụ huyết áp 170/95 nếu theo huyết áp tâm trương thì coi là tăng huyết áp độ 2, còn nếu theo huyết áp tâm trương thì tăng huyết áp độ 1. Ở đây chúng ta lấy con số cao hơn nên thành ra là tăng huyết áp độ 2 (trung bình).
Trong nhóm bình thường (dưới 140/90) thì từ 120/80 -139/90 coi là tiền tăng huyết áp, dưới 120/80 mới là huyết áp tối ưu.
Còn một trường hợp nữa:
Huyết áp tâm trương bình thường, dưới 90. Trong khi đó huyết áp tâm thu lại cao, trên 140.
Trường hợp này hay gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn thuần.
Lưu ý:
- Hướng dẫn phân loại huyết áp trên là hướng dẫn chung. Huyết áp tối ưu của bạn còn phụ thuộc vào tuổi tác, bệnh tật...Vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được huyết áp tối ưu của bạn là bao nhiêu.
- Con số huyết áp trên áp dụng cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, nam cũng như nữ, già cũng như trẻ.
Tại sao huyết áp lại có sự dao động trong ngày?
Huyết áp không phải là con số cố định. Mà con số này có dao động trong ngày.
Huyết áp thường cao ở khoảng từ 7-9 giờ sáng và 18-20 giờ chiều. Thời điểm huyết áp thấp nhất từ 01-03 giờ sáng.
Hiểu rõ sự thay đổi huyết áp trong ngày sẽ giúp bạn chọn thời gian cũng như liều lượng thuốc hạ huyết áp sao cho hợp lý.
Bên cạnh đó, chỉ số huyết áp còn thay đổi trong một số trường hợp. Ví dụ huyết áp tăng lên khi vận động, căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh.
Ngược lại khi bạn nghỉ ngơi thư giãn thì huyết áp sẽ hạ xuống.
Dấu hiệu tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp không có triệu chứng gì đặc hiệu. Các dấu hiệu phổ biển như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, đỏ bứng mặt có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau.
Cách duy nhất để chẩn đoán tăng huyết áp là dựa vào số đo huyết áp.
Đọc thêm:
Nên mua máy đo huyết áp loại nào tốt?
Nguyên nhân nào gây tăng huyết áp?
Có khoảng 93-95% trường hợp tăng huyết áp là không rõ nguyên nhân. Loại tăng huyết áp gọi là tăng huyết áp vô căn hay tăng huyết áp nguyên phát.
Còn 5-7% tăng huyết áp là tăng huyết áp thứ phát. Nghĩa là tăng huyết áp do các bệnh lý khác gây nên như mắc bệnh thận, bệnh cường giáp, hẹp eo động mạch chủ hoặc do uống một số loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng huyết áp.
Yếu tố nguy cơ dẫn tới tăng huyết áp là gì?
Có một số yếu tố nguy cơ dễ làm cho bạn mắc bệnh cao huyết áp. Đó là:
- Ăn quá nhiều muối natri: làm giữ nước gây tăng thể tích máu từ đó làm tăng huyết áp.
- Béo phì: Tăng huyết áp do tăng cân chiếm tới 53% số người béo phì.
- Tuổi: tuổi càng cao thì tỉ lệ tăng huyết áp lại càng cao. Hơn ½ những người từ 60-90 tuổi và gần ¾ những người hơn 70 tuổi bị tăng huyết áp.
- Di truyền: cha, mẹ bị tăng huyết áp thì con có khả năng dễ mắc tăng huyết áp hơn so với người khác.
- Nghiện thuốc lá: hút thuốc làm cho tim đập nhanh hơn, mạch máu co lại từ đó làm tăng huyết áp.
- Tiểu đường: có 50% bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 sau tuổi 45 có cao huyết áp. Còn ở tiểu đường tuýp 1, tăng huyết áp thường là hậu quả của biến chứng ở thận.
- Căng thẳng tinh thần: người hay stress thường dễ bị bệnh tim mạch và tăng huyết áp.
Biến chứng của cao huyết áp là gì?
Tăng huyết áp nếu không xử lý kịp thời có thể để lại hậu quả xấu với cơ thể. Nó gây ra biến chứng nguy hiểm trên tim, não, thận…
- Tim: gây dày thành tâm thất trái, loạn nhịp tim, đau thắt ngực, suy tim, hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim.
- Thận: gây phù và suy thận
- Não: xuất huyết não, nhũn não, cơn thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ.
- Mạch máu: phình và bóc tách động mạch chủ, tổn thương mạch máu ở đáy mắt có thể gây mù đột ngột.
Huyết áp cao nên làm gì?
Khi huyết áp cao, bạn nên làm theo những lời khuyên sau
Bỏ thuốc lá
Ngày nay, chúng ta đều biết tác hại của thuốc lá với sức khỏe. Nó không chỉ làm tăng nguy cơ huyết áp cao mà còn dẫn tới ung thư đặc biệt là ung thư phổi.
Tất nhiên cai thuốc lá nói thì dễ làm mới khó nhất là ở người hút thuốc lâu năm. Nếu bạn vẫn gặp khó khăn trong việc cai thuốc lá, hãy tham khảo các bài viết sau:
10 cách hạ huyết áp không dùng thuốc
Giảm cân nếu thừa cân
Để biết mình có thừa cân hay không bạn nên dựa vào chỉ số BMI (body max index).
Bạn nên duy trì chỉ số này trong khoảng từ 18.5 đến 24.9. Nếu bạn đang muốn giảm cân, hãy tham khảo bài viết sau:
Đọc thêm mẹo giảm cân
Tiết chế rượu
Uống rượu ở mức hợp lý có lợi cho sức khỏe nói chung cũng như cải thiện huyết áp nói riêng.
Vậy thế nào là hợp lý?
Không quá 720ml bia hoặc rượu vang hoặc 60ml rượu mạnh một ngày. Với phụ nữ hay người nhẹ cân thì giảm đi một nửa.
Còn nếu bạn có huyết áp cao đang phải sử dụng thuốc thì không nên sử dụng rượu bia.
Giảm ăn mặn
Ăn nhiều muối sẽ làm tăng thể tích tuần hoàn máu từ đó làm tăng huyết áp.
Các chuyên gia thấy rằng những người có cùng điều kiện và lối sống như sau thì người ăn mặn dễ mắc bệnh cao huyết áp hơn người ăn nhẹ.
Khi áp dụng một chế độ ăn nhạt thì thấy có sự cải thiện cả huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ cần giảm muối ăn từ 10g xuống 5g đã có thể giảm huyết áp tâm thu từ 4-6mmHg.
Vậy một ngày nên ăn bao nhiêu muối?
Bạn không nên ăn quá một muỗng cà phế muối (<2.4g NaCl). Đây là tình cả lượng muối có trong thức ăn và nước chấm.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ ăn cho người cao huyết áp cần phải đáp ứng yêu cầu sau:
- Có đầy đủ các vitamin và khoáng chất đặc biệt là canxi, kali và magie.
- Rau xanh và trái cây nên chiếm khoảng một nửa tỷ lệ khẩu phần ăn hàng ngày. .
- Hạn chế chất ngọt và các thực phẩm chứa chất béo bão hòa.
- Tăng cường ăn nhiều chất xơ hòa tan
- Ăn nhiều cá và hải sản thay cho các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò
- Giảm thiểu các loại mỡ động vật và lòng đỏ trứng
Đọc thêm: 15 thực phẩm tốt cho người cao huyết áp
Tăng cường vận động thể lực
Tập thể dục không chỉ giúp kiểm soát được huyết áp mà còn tốt cho sức khỏe nói chung.
Mỗi ngày bạn nên dành 30 phút để tập luyện thể dục thể thao.
Nếu bận thì bạn có thể chia tập luyện thành 3 lần một ngày. Mỗi lần tối thiểu 10 phút thì vẫn hiệu quả không khác gì luyện tập một lần 30 phút.
Một số lưu ý khi tập luyện:
- Tập vừa sức mình. Khi thấy mệt, khó thở hay đau ngực thì dừng lại. Không nên tập luyện quá nhiều.
- Cũng không nên tập quá ít, hay quá nhẹ. Để biết tập đủ hay chưa thì đếm mạch cổ tay (đếm 15 giây rồi nhân lên 4). Người trên 40 tuổi tập sao cho mạch cổ tay lên 120 là vừa. Người 50 tuổi tập đến 110. Người 60 tuổi đến 100 và 70 tuổi đến 90 trong một phút.
Một số môn thể dục thể thao có thể thực hiện: đi bộ, đạp xe, chạy, bơi, bóng bàn cầu lông, khí công, yoga, thái cực quyền.
Một số môn không nên tập: tập tạ, lặn dưới nước lâu, leo núi
Giảm căng thẳng
Trạng thái tâm lý căng thẳng thường làm cho huyết áp tăng cao đột ngột. Thời điểm này người bệnh dễ gặp các biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Vì vậy, người bệnh cần luyện tập thư giãn cũng như có thái độ lạc quan trong cuộc sống
Bệnh cao huyết áp nên ăn gì / không nên ăn gì?
Người cao huyết áp nên kiêng những thứ sau:
- Giảm muối: các thức ăn làm sẵn thường có muối không nên ăn nhiều ví dụ như phở các loại nước súp, đồ hộp, xúc xích, dưa muối có nhiều muối, mì chính, nước khoáng thiên nhiên (có nhiều natri không nên dùng
- Giảm rượu bia
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế cả mỡ lẫn dầu ví dụ như mỡ bò, mỡ cừu, dầu dừa, dầu cọ, bơ. Nên dùng dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô.
- Lòng đỏ trứng nhiều cholesterol. Không tốt cho tim mạch. Mỗi tuần có thể ăn 2-3 lòng đỏ trứng.
Một số thực phẩm nên ăn như cần tây, rau muống, măng lau, cà chua, cà rốt, cà tím, hành tây, nấm hương và nấm rơm, mộc nhĩ, tỏi, lạc, hải tảo, hải đới, táo đỏ, đậu hà lan, đậu xanh, sữa đậu nành, táo đỏ, lê, chuối tiêu, dưa hấu, nho, mã thầy.
Cách nào xử trí cơn tăng huyết áp kịch phát tại nhà
Các triệu chứng của cơn tăng huyết áp kịch phát: Nhức đầu, đau tức ngực, hoa mắt chóng mặt, nẩy đom đóm, nhìn thấy ruồi bay, khó thở nôn mửa, mệt mỏi…
Trong tình huống này, cách xử trí như sau:
- Người bệnh nên nằm nghỉ, thư giãn, tránh căng thẳng thần kinh
- Vẫn nên dùng các loại thuốc hạ huyết áp đang sử dụng hàng ngày
- Nên uống ngay khi phát hiện cơn tăng huyết áp
- Thuốc an thần rất cần thiết: nên ngâm dưới lưỡi ¼ đến ½ viên seduxen (hoặc tranxene)
- Thận trọng với thuốc hạ huyết áp có tác dụng. Vì làm hạ huyết áp nhanh có thể dẫn tới đột quỵ. Chỉ nên dùng các thuốc loại thuốc tác dụng nhanh khi có sự theo dõi của bác sĩ.
- Mời thầy thuốc khám xử trí tại nhà nếu có thể..
Khi nào thì cần dùng thuốc điều trị cao huyết áp?
Không phải cứ tăng huyết áp là dùng ngay thuốc điều trị cao huyết áp.
Việc dùng thuốc hay không còn phụ thuộc vào mức độ tăng huyết áp, các yếu tố nguy cơ và tình trạng tổn thương cơ quan đích.
Dù dùng thuốc hay không cũng nên kết hợp các biện pháp thay đổi lối sống.
Thay đổi lối sống luôn là thứ bạn cần thực hiện đầu tiên.
- Một số biện pháp thay đổi lối sống như:
- Giảm cân nặng nếu bạn đang thừa cân
- Hạn chế ăn muối (2.4-6g muối Nacl/ngày)
- Ăn đủ lượng kali, calci và magie
- Hạn chế uống rượu
- Hạn chế ăn các chất chứa nhiều cholesterol và acid béo bão hóa
- Ngừng hút thuốc
- Tăng cường vận động (30-45 phút mỗi ngày)
Một số trường hợp tăng huyết áp cần dùng thuốc ngay như:
- Tăng huyết áp giai đoạn 2 với chỉ số > 180/110mmHg
- Tăng huyết áp >140/90 mmHg kèm theo các bệnh đái tháo đường hay bệnh thận mạn tính
Mục tiêu điều trị tăng huyết áp là gì?
Mục tiêu của việc điều trị tăng huyết là giảm huyết áp xuống dưới mức 140/90mmHg.
Nếu người bệnh tăng huyết áp lại mắc bệnh đái tháo đường thì cần đưa huyết áp xuống dưới mức 130/80mmHg.
Có bao nhiêu nhóm thuốc điều trị huyết áp?
Trước hết nói về cơ chế của thuốc điều trị huyết áp.
Thuốc hạ huyết áp tác động theo 3 cơ chế như sau:
- Tăng việc thải ion Na+ và nước
- Chẹn tác động thần kinh giao cảm
- Chống co mạch
Vì vậy, người ta chia ra làm 3 nhóm thuốc hạ áp gồm
- Thuốc lợi tiểu có tác dụng tăng thải nước và Na+, từ đó giảm khối máu lưu thông. Nhờ vậy huyết áp sẽ giảm.
- Thuốc tác động lên thần kinh giao cảm: gồm có thuốc ức chế adrenergic ngoại biên, ức chế giao cảm alpha, beta…
- Thuốc giãn mạch: giãn mạch trực tiếp, đối kháng canxi, ức chế men chuyển angiotensin, ức chế thụ thể angiotensin...
Lời kết
Đến đây bạn đã biết cao huyết áp là bao nhiêu? Hay cao huyết áp nên làm gì?
Bạn cũng biết được huyết áp cao nên kiêng gì?
Tóm lại huyết áp cao thường không có triệu chứng đặc thù. Vì vậy bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh.